Ngay từ cái tên của ông, Arsene, cũng từa tựa như Arsenal. Định mệnh đã sắp sẵn để con thuyền “Pháo thủ” phải được lèo lái dưới bàn tay của Wenger. Và đó là mối lương duyên đẹp đến nao lòng.
Nội dung chính
“Arsene là tên quái nào vậy?”
Đó là phản ứng của những CĐV Arsenal khi biết ông là người được trao ấn kiếm dẫn dắt CLB sau khi chia tay Bruce Rioch. Ngay cả những người lạc quan nhất chắc cũng không dám tin rằng, ông có thể trụ lại lâu khi mới mùa trước, ông hãy còn đang lang bạt tít tận… Nhật Bản.
Những ngày đầu đặt chân tới nước Anh của “Giáo sư” đã diễn ra như vậy đấy. Thậm chí, trang web thống kê còn áng chừng tỷ lệ Wenger gắn bó lâu dài với đội bóng thành London đặt 1 ăn 5000, tức là khó xảy ra hơn cả việc Elvis Presley, một ca sĩ nổi tiếng đã chết, vẫn còn tồn tại trên đời.
Vậy mà thời gian thấm thoắt trôi đưa, mối tình Arsene Wenger – Arsenal đã kéo dài tới 2 thập kỷ. Và trong quãng thời gian đó, thực sự nhà cầm quân người Pháp đã mở ra một giai đoạn hoàng kim, không chỉ riêng Arsenal mà còn là cả nền bóng đá Anh.
Dưới sự chỉ huy của Wenger, Arsenal đã vươn mình thành một trong 2 đội bóng mạnh nhất nước Anh đầu thập niên 2000, cùng với Man United của Sir Alex. Và điều làm nên thành công của Wenger, đó phải là sự tiên phong và tính khoa học trong từng hành động.
Dưới tài lèo lái của Wenger, Arsenal trở thành thế lực hàng đầu nước Anh
Ông là người đầu tiên áp dụng tỉ mỉ vấn đề thực đơn ăn uống của các cầu thủ. Chuyện trong bữa ăn phải có những gì luôn nằm trong kế hoạch của Wenger, đặc biệt là 2 thứ tối quan trọng trong khẩu phần: Rau xanh và cá.
Nhà cầm quân 66 tuổi cũng là người áp dụng mạng lưới săn tìm tài năng đầu tiên tại nước Anh và là tiền đề để ông tạo ra hàng loạt tài năng sáng giá với mức giá cực rẻ như Nicolas Anelka, Thierry Henry, Cesc Fabregas hay Robin Van Persie. Thành công của Arsenal với những tài năng ngoại quốc cũng được xem là yếu tố khiến đất nước bảo thủ như Anh quốc, vốn vẫn quen dùng cầu thủ trong nước, cởi mở hơn với những cầu thủ nước ngoài
Nhưng vượt lên trên tất cả, Wenger đã làm thay đổi cả một nền bóng đá chỉ biết tạt cánh đánh đầu bằng một bản sắc không lẫn vào đâu được. Những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, Arsenal là tập thể đáng xem nhất với phong cách chơi ban bật đập nhả làm mê đắm lòng người song không kém phần hiệu quả.
Nếu báo chí Anh ca ngợi những điều mới mẻ mà Pep Guardiola làm được bao nhiêu thì những mỹ từ đó, so với những gì được dùng để ca tụng Wenger trước kia, chỉ là vặt vãnh.
Có một Wenger lãng mạn như thế
Ngay từ cái tên của ông, Arsene,cũng từa tựa như Arsenal, Định mệnh đã sắp sẵn để con thuyền “Pháo thủ” phải được lèo lái dưới bàn tay của Wenger.
Tuy nhiên mối tình nào, dù đẹp tới đâu, cũng tới lúc héo tàn. Vương quyền của “Giáo sư”, đau đớn thay, lại trở nên trì trệ bởi người đã tạo dựng nên.
Arsenal vẫn đẹp nhưng cái đẹp của họ ngày càng mỏng manh. Nếu trước kia họ có Patrick Viera, Gilberto Silva hay xa hơn chút nữa là Tony Adams là bản lề cho thành công thì giờ đây, học trò của Wenger bị gán cho biệt danh không mấy hay ho: Những đứa trẻ.
Ông đã từng mang về những Viera, Silva đầy tính chiến đấu nhưng giai đoạn về sau, ám ảnh về thứ bóng đá đẹp có phần phi thực tế của Wenger khiến Arsenal luôn thất thế trước các đội bóng thiên về thể lực. Đâu phải bỗng dưng mà mùa bóng nào, Pháo thủ cũng đều đứng đầu bảng danh sách bệnh binh tại Ngoại hạng Anh.
Thật ra cũng không nên trách Wenger. Từ sâu thẳm trái tim, ông yêu Arsenal, yêu các CĐV đến cuồng si. Khi mới nhậm chức HLV trưởng của “Pháo thủ”, ông từng chia sẻ rất thật lòng: “Không một đội bóng nào có thể chơi tưng bừng và hấp dẫn trong mọi trận đấu. Nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để mang đến điều đó. Vì thế nên thông điệp của tôi đến mọi người là: hãy đến sân và cùng vui với chúng tôi!”
Những di sản Wenger để lại là không thể đo đếm
20 năm đã trôi qua và những lời tâm sự của Wenger vẫn khảm tâm niệm đó trong lòng. Nhiều thời điểm, NHM lên tiếng muốn Arsenal… đá xấu một chút cũng được, muốn ông chi nhiều tiền hơn một chút cũng được, miễn sao giành chiến thắng. Báo chí lên án Wenger không bỏ tiền mua sắm, ông cũng mặc kệ. Người đàn ông đến từ vùng Strasbourg nước Pháp ấy vẫn không thể xóa đi nét lãng mạn đã thành thương hiệu.
Ông chấp nhận bị chỉ trích miễn sao có thể sống với những nét đẹp nguyên sơ của bóng đá. Có lẽ bởi nét đáng yêu ấy mà đại đa số NHM Arsenal vẫn đồng cảm với ông và giương cao biểu ngữ “In Arsene, we trust”.
Với việc Giám đốc Ivan Gazidis lên tiếng xác nhận đã có phương án thay thế khi Wenger ra đi, dù không nói ra, ai cũng hiểu mùa bóng này sẽ là lần cuối người ta còn chứng kiến khuôn mặt có phần khắc khổ đó ở sân Emirates.
Bất chấp sự thật rằng Arsenal đã có một giai đoạn dài không thành công, di sản mà chiến lược gia người Pháp để lại vẫn quá to lớn. Ông góp công không nhỏ trong việc xóa nợ kể từ khi Pháo thủ khánh thành sân Emirates mà vẫn luôn giữ vững vị trí trong top 4 suốt 20 năm qua.
Ông để lại một đội hình tương đối mạnh cả về chất lẫn lượng cho người kế nhiệm của mình, khác hẳn so với đội hình xập xệ mà Sir Alex bỏ lại khi “rửa tay gác kiếm”.
Chỉ có chút tiếc nuối cho vị HLV già đáng kinh khi ông chưa được chạm tay tới chức vô địch Champions League danh giá. Giành được ngai vàng Châu âu cùng Arsenal sẽ mãi là giấc mộng dang dở của một Wenger đầy lãng mạn.