Thực tế việc ông Gede nghỉ việc cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới bóng đá Việt Nam trong ngắn hạn.
Những ngày qua việc ông Jurgen Gede không gia hạn hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong vai trò Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) gây xôn xao trong dư luận những người quan tâm tới bóng đá Việt Nam. Có người tiếc nuối, có người lại cảm thấy bất ngờ khi đón nhận thông tin này. Tuy nhiên, với tư cách là một khán giả bóng đá thông thường, tôi cảm thấy không có gì ngạc nhiên trước điều này.
Về cơ bản, GĐKT là người lên chiến lược dài hạn cho một câu lạc bộ hoặc đội tuyển quốc gia. Nếu HLV đảm nhiệm công việc lên chiến thuật cho từng trận đấu thì GĐKT lại là người theo dõi công tác thực hiện chiến thuật cũng như các công việc liên quan đội bóng để đảm bảo nó không xa rời với định hướng phát triển đã được lựa chọn.
GĐKT vốn không phải một vị trí xa lạ với bóng đá hiện đại, thậm chí đây còn là một trong những vị trí quan trọng nhất. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, tiếng nói của GĐKT có ảnh hưởng rất lớn trong mỗi đội bóng.
Ở Việt Nam, vai trò GĐKT lại dường như vẫn còn rất mờ nhạt. Thực tế, ngay từ đầu những năm 2000, những người làm bóng đá Việt Nam đã nghĩ tới phải có một người đảm nhận vai trò này. Dẫu vậy, phải đợi tới hơn 10 năm, một GĐKT mới chính thức được bổ nhiệm. Đó chính là ông Jurgen Gede.
Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp của một nền bóng đá đang trong thời kỳ quá độ đã khiến công việc của ông Gede đôi khi bị méo mó. Từ công việc của một người hoạch định chiến lược, nhiều thời điểm chuyên gia người Đức lại trở thành “trợ lý HLV bất đắc dĩ”, tức đi kiểm tra phong độ cầu thủ và thám thính đối phương cho HLV lên đấu pháp thi đấu.
Bên cạnh đó, sự xung khắc trong quan điểm làm việc phần nào cũng ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của ông. Đã rất nhiều lần ông ngán ngẩm trước lối làm việc quá thiên về cảm tính, thiếu thiện chí của một vài lãnh đạo bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, sau giai đoạn đầu thành công khi liên tiếp giúp các đội trẻ Việt Nam giành thành tích tốt tại các đấu trường khu vực (2016 – 2018), ảnh hưởng của ông Gede dần giảm thời gian gần đây. Nhiều người còn cho rằng, kể từ khi giới thiệu Phan Văn Đức cho HLV Park Hang Seo trước VCK U23 châu Á 2018, chuyên gia người Đức đã chẳng còn để lại di sản gì đáng nhớ với bóng đá Việt Nam.
Chính những điều đó cùng với mong muốn được về quê nhà để chăm sóc vợ của ông Gede khiến tôi không bất ngờ khi nhận tin bản hợp đồng giữa ông và VFF không được gia hạn.
Tôi nghĩ sự ra đi của ông Gede sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong ngắn hạn. Bởi thực ra chúng ta có để ông ấy làm công việc đúng nghĩa nhất với chức danh của mình đâu. Ngoài ra, chúng ta vẫn đang trong chu trình phát triển của lứa cầu thủ tài năng hiện như Quang Hải, Văn Đức, Duy Mạnh,… Họ thậm chí còn chưa đạt tới đỉnh cao sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, nếu không có giải pháp thay thế, bóng đá Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi triều đại của HLV Park Hang Seo kết thúc vì không xác định được con đường phát triển cụ thể. Hậu quả thành tích của bóng đá Việt Nam lại lẹt đẹt như trước khi ông Park đến.
Và dù có là giải pháp gì đi chăng nữa, thì những người làm bóng đá Việt Nam vẫn luôn cần nhớ một điều rằng: “Nếu bổ nhiệm ai làm GĐKT, thì hãy để họ được làm đúng với công việc của mình”. Có vậy mới phát huy được hết khả năng của họ.
Bài viết của độc giả Lương Tiến ở Thanh Xuân, Hà Nội.