- Là đòn đá cơ bản và thường xuyên xuất hiện trong các trận đấu Muay Thái, Kickboxing, MMA. Tuy nhiên, nhiều người tập vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện kĩ thuật này kể cả khi tập luyện. Vì thế, hôm nay xin giới thiệu 1 số mẹo nhỏ để giúp các bạn cải thiện chúng ngay từ bây giờ …
Trước hết, cần xác định đòn đá vòng cầu trong bài đa phần sử dụng yếu lĩnh kĩ thuật từ Muay Thái. Vì thế, sẽ có một số mẹo trái với các yếu lĩnh kĩ thuật đá của các môn võ khác khác như Taekwondo, Karate, … bài viết sẽ không xác nhận kĩ thuật nào là đúng hay sai, điều đó tùy thuộc vào bạn lựa chọn kĩ thuật đá nào.
Tôi sẽ lí giải nguyên lí đòn, nêu cách thực hiện mẹo và tác dụng của mẹo với nguyên lí. Đồng thời bổ sung những lỗi có thể gặp nếu bạn không thực hiện, hoặc thực hiện sai các mẹo này.
Và bây giờ là 12 mẹo để bạn cải thiện kĩ thuật đá vòng cầu Muay Thái của mình,
1. Rướn cao người khi đá.
Lực phát của đòn đá vòng cầu hướng từ dưới lên trên, sau đó đi chéo hoặc ngang vào mục tiêu, vùng di chuyển của chân từ thấp lên cao. Chính vì thế, việc rướn cao thân người sẽ tạo độ mở cho hông, tạo đà kéo chân lên và như vậy, chân đá của bạn sẽ quất vào mục tiêu một cách thoải mái nhất.
Hãy tưởng tượng, khi bạn nén cả hông lẫn chân trụ của mình xuống, điều đó giống như buộc quả tạ vào một đầu dây, đầu dây bên kia là một vật đang bay lên cao với tốc độ rất nhanh. Tới khi dây căng, cũng như cơ thể bạn đã duỗi hết cỡ, quả tạ sẽ kéo giật vật thể (lúc này là chân) hướng xuống dưới. Lực đối nghịch này sẽ làm giảm cả tốc độ lẫn lực xuyên của đòn.
Vì thế, kể cả dậm 1 bước lấy đà, đừng hạ tấn sâu quá khi đá
2. Xoay trụ bằng ức bàn chân tới khi đá trúng mục tiêu.
Đòn đá vòng cầu là 1 đòn sử dụng quán tính và lực li tâm. Với tâm quay là chân trụ, việc xoay trụ mượt mà sẽ tạo lực li tâm tốt nhất, từ đó lực đá sẽ tăng lên đáng kể.
Việc kiễng chân trụ tới khi va chạm tương tự như mẹo 1, giúp kéo cú đá lên cao thuận lợi hơn. Tin tôi đi, nếu muốn đá cao hơn, kiễng chân sẽ cho bạn kết quả bất ngờ đấy.
3. Xoay gót chân trụ chỉ vào mục tiêu khi va chạm
Đây là một mẹo cho cú đá đi hết quỹ đạo cần thiết, từ vị trí thủ tới khi va vào điểm chạm, cú đá cần đi hết 1 quỹ đạo vòng nhất định. Và điều đó 1 phần quyết định bởi tâm quay, nếu tâm quay là chân trụ không thể di chuyển hết vòng cung, thì ngọn đòn đá cũng khó có thể vượt qua mục tiêu được.
Giống như khi bạn mở 1 cánh cửa, nếu ai đó chặn ở bản lề cửa theo hướng ngược lại, tôi đố bạn có thể mở hết cửa đấy.
4. Hướng vuông góc hông trước và sau khi đá
Tương tự như mẹo số 3, ép hông sâu khi đá là một trong những yếu lĩnh của đòn đá vòng cầu trong Muay Thái, việc xoay hông như 2 vị trí trong hình là cách đơn giản nhất để kiểm tra bạn đã thực hiện yếu lĩnh này tốt hay chưa.
5. Hãy quất ống đồng xuyên qua mục tiêu
Sau khi thực hiện 4 mẹo đầu tiên, bạn đã làm được “phần gốc” cho đòn đá, giờ tới “phần ngọn”. Đi xuyên qua mục tiêu cũng là 1 yếu lĩnh hàng đầu cú phang của Muay, không chỉ đơn thuần vẩy chân tiếp xúc mục tiêu rồi rút về như Karate thể thao hay 1 số môn võ khác, Muay Thái yêu cầu ống đồng của bạn phải đi xuyên qua để tạo lực phá hủy cao nhất.
Điểm chạm là ống đồng cũng đảm bảo độ cứng của đòn khi va chạm, yếu lĩnh đánh của Muay yêu cầu sát thương cao, vì thế, họ mới không chọn phần mu bàn chân là điểm chạm lý tưởng nhất.
6. Tuyệt đối đừng chạm mục tiêu bằng phần đầu gối
Lực li tâm và độ cứng hoàn hảo là phần ống chân, vì thế, đừng chạm mục tiêu bằng phần gối. Chưa kể, điều này cũng giúp tránh chấn thương khi tập luyện.
7. Giữ chân đá vuông góc trước khi chạm đích
Lại là vấn đề về vật lý, bao gồm tạo lực quất vào và “giảm nhẹ” công việc cho hông của bạn. Giữ chân đá vuông góc, tới khi chạm mục tiêu mới duỗi thẳng và quất vào, như vậy cú đá của bạn sẽ có thêm lực : lực quất hông và bung gối.
Giữ chân đá vuông góc, cánh tay đòn càng ngắn thì trọng lượng hông phải tải khi xoay càng giảm, như vậy, cú đá sẽ nhanh hơn và không mất nhiều lực để nâng chân trước khi cú đá chạm đích, một cách tiết kiệm thể lực cho bạn.
8. Chỉ rút chân về sau khi ống đồng va hoàn toàn vào mục tiêu
Nhiều người có xu hướng rút chân về ngay khi ống đồng va vào mục tiêu, hãy nhớ lại mẹo thứ 5, quất ống đồng xuyên qua sẽ khiến đối thủ có cảm giác “cực kì thốn”.
Một lợi ích thực tế trên sàn đấu, các võ sĩ Muay Thái thường rất lì lợm, việc rút chân về khi chưa ép đủ sâu sẽ khiến cú đá không có nhiều lực xuyên tâm. Như vậy, bạn sẽ không thể “tì” được đối thủ và nguy cơ bị phản công là rất cao, điều này rất nguy hiểm.
9. Quăng tay về sau để tạo lực xoắn và giữ thăng bằng
Đá vào sâu, nhưng cũng phải rút chân về, việc quăng tay nghịch hướng chân đã sẽ tạo nên 1 momen xoắn trên cơ thể bạn, giữ người bạn không văng theo hướng đá. Như vậy bạn có thể giữ trọng tâm cơ thể không rời quá xa vị trí ban đầu, một yếu tố về an toàn.
Lưu ý : Không nên quay tay quá xa, như vậy sẽ tạo lực kéo quá đà làm giảm momen cú đá. Vị trí kết thúc lý tưởng khi quăng tay, thường là song song với chân đá khi tiếp xúc mục tiêu.
10. Hướng của đòn đá vuông góc với đích
Góc va chạm giữa 1 vật thể với 1 mặt phẳng, vật thể đó có thể tận dụng lực đi xuyên tâm tốt nhất, một nguyên lý vật lý rất đơn giản.
Hơn nữa, lái cú đá vuông góc sẽ tránh nguy cơ va vào cùi chỏ đối thủ, giữ cho ống đồng của bạn “nguyên vẹn”.
11. Lắc người về phía chân đá để tạo đà (cho đòn đá chân trước)
Tương tự như việc rướn người, cú đá chân trước không có nhiều cơ hội tạo đà, thay vì thực hiện cú switch kick, bạn có thể lắc - mở thân về phía chân trước, lấy đà rồi quất lên - đảm bảo lực chẳng kém gì đá chân sau.
Chúng ta có thể che mắt cho động tác này bằng việc đánh 1 cú móc hoặc đấm thẳng tay sau, rồi mới tung đòn, cú đá sẽ trở nên “vô hình” trong mắt đối thủ.
12. Bước tới và mở chân sau (cho đòn đá chân trước)
Đơn giản là một mẹo khiến cú đá của bạn đi xa và khó đoán hơn.
Các mẹo trên sẽ giúp bạn thực hiện cú đá vòng cầu thoải mái và hiệu quả hơn, tuy nhiên, mỗi người lại sử dụng và mắc lỗi theo những cách khác nhau. Vì thế, hãy lựa chọn 1 phòng tập với huấn luyện viên có khả năng sửa sai và giúp bạn ứng dụng đòn đá vào trong trận đấu hiệu quả nhất. Cùng đừng quên, tập luyện cho đôi chân đủ nhanh và khỏe để thực hiện kĩ thuật đá vòng cầu tốt nhất.
VIDEO chi tiết (có vietsub) :