Thể Thao 247 - Tổng thống Trump đang dự tính loại bỏ xe Đức trên đất Mỹ bằng việc áp dụng hàng rào thuế quan, hạn chế lượng xe nhập khẩu, bảo hộ cho các hãng nội địa.
“Sự hiện diện của những chiếc Mercedes, BMW tại Mỹ là không công bằng đối với những người lao động trong nước. Tôi sẽ có biện pháp để hạn chế các thương hiệu xe Đức”. Đây là những gì ông Donald Trump đã phát biểu tại cuộc hội thảo diễn ra ngày 12/06/2018 tại Singapore.
Trước đó, một báo cáo hôm 29/5 cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ “đuổi” các nhà sản xuất ôtô Đức cho đến khi không còn chiếc Mercedes-Benz nào lăn bánh trên đại lộ Fifth Evenue nữa.
Có quá nhiều ôtô Đức trên đất Mỹ
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 4 tại Washington, ông Trump nhấn mạnh việc nhiều dòng xe Đức hiện diện tại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ từng đưa ra kế hoạch áp thuế nhập khẩu 35% đối với xe Đức.
Các nhà sản xuất ôtô Đức đã bán 1,35 triệu xe tại Mỹ trong năm 2017, chiếm khoảng 8% tổng doanh số của thị trường. Trong số đó, chỉ 494.000 xe được nhập khẩu từ Đức, ít hơn 25% so với năm 2013. Số lượng xe Đức còn lại được sản xuất tại Mỹ và Mexico, nơi áp dụng luật tự do thương mại. GM và Ford cũng sản xuất ôtô tại Mexico và chuyển về Mỹ bán.
Tổng thống Trump có thể huỷ bỏ hiệp định NAFTA, ký kết giữa Mỹ, Mexico và Canada, để ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất ôtô đặt nhà máy ở các quốc gia kể trên và nhập vào Mỹ.
Hãng xe Đức tạo ra nhiều công việc tại Mỹ
BMW, Volkswagen (VW) và Mercedes đều đặt những nhà máy sản xuất lớn tại Mỹ, mang đến việc làm cho khoảng 50.000 công nhân địa phương. Nhà máy lắp ráp lớn nhất thế giới của BMW đặt tại Spartanburg, phía nam Carolina. Năm ngoái, nhà máy này sản xuất hơn 400.000 xe, xuất khẩu 70% đi các quốc gia khác.
Nhà máy của VW đặt tại Chattanooga, Tennessee, sản xuất khoảng 112.000 xe năm ngoái. Trong khi đó, Mercedes sản xuất khoảng 300.000 xe các loại tại nhà máy ở Tuscaloosa County, Alabama.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Đức, sản lượng các nhà máy ôtô mang thương hiệu Đức đặt tại Mỹ đã tăng lên đáng kể, từ 180.000 xe năm 2013 lên mức 804.000 chiếc. Một nửa số xe này được xuất khẩu ngược trở lại châu Âu và châu Á.
Ôtô nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ phải chịu mức thuế nhập khẩu 2,5%. Trong khi đó, xe sản xuất tại Mỹ, xuất đi châu Âu sẽ bị đánh thuế 10%. Châu Âu cho biết họ sẵn sàng giảm thuế phí đối với ôtô theo thương thảo gần đây với Mỹ về thuế thép và nhôm. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã từ chối thương thảo.
Các hãng ôtô Đức sẽ tính toán lại kế hoạch đầu tư Mỹ, nếu họ bị áp đặt tăng thuế phí. Trong khi đó, liên minh châu Âu cũng sẽ đáp trả bằng việc tăng thuế phí đối với xe nhập khẩu từ Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, sử dụng chính sách thuế quan sẽ không phù hợp.
Hàng rào thuế quan sẽ kéo theo những hệ luỵ đối với ngành công nghiệp ôtô, khi mà hệ thống phân phối phụ trợ được trải dài ở nhiều quốc gia khác nhau. “Phân biệt giữa xe Mỹ và xe Đức là điều không phù hợp”, chuyên gia kinh tế Jacob Kirkegaard từ châu Âu chia sẻ.
Theo Vnexpress