Việt Nam và Canada nhiều khả năng sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản trong vòng 10 năm, sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, hãng tin Nikkei của Nhật Bản đưa tin cuối tuần qua.
Theo Nikkei, các Bộ trưởng Thương mại đến từ 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã đạt được những tiến triển trong vấn đề giải phóng thị trường ô tô trong 2 ngày thảo luận. Việt Nam đã sẵn sàng bãi bỏ 70% thuế đối với ô tô có dung tích xi lanh 3.0 trở lên của Nhật Bản trong một thập niên. Canada cũng sẽ giảm thuế 6,1% cho mặt hàng này của Tokyo trong vài năm tới.
Một sản phẩm đến từ nhà chế tạo xe hơi Nhật Bản Mitsubishi
Nhật Bản và Mỹ, 2 thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất, đã đạt được thỏa thuận giảm ngay lập tức 2,5% thuế của Mỹ đối với hơn 80% phụ tùng ô tô do Nhật Bản sản xuất. Mức thuế này đối với các ô tô đã lắp ráp hoàn chỉnh của Nhật sẽ được xóa bỏ dần trong 30 năm tới hoặc lâu hơn. Điều này sẽ giúp cắt giảm rào cản thuế quan đối với ô tô Nhật Bản tại thị trường Bắc Mỹ và sắp tới là thị trường Việt Nam. Trong quá khứ, thị phần ô tô của Nhật Bản tại Mexico đã tăng lên ngay sau khi một thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương có hiệu lực vào năm 2005.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Toyota đang đi theo chiều ngược lại khi liên tục nâng giá bán xe. Lần thứ 2 trong năm 2015, hãng xe hơi Toyota tiếp tục gây “sốc” bằng quyết định tăng giá sản phẩm, trong đó nhiều dòng xe giá tăng rất mạnh. Theo lý giải của nhà sản xuất, việc tăng giá ô tô từ ngày 1-10 là do biến động tỷ giá USD, nhưng lý do này không thuyết phục được hàng triệu người tiêu dùng.
Trước đó, vào tháng 5-2015, Toyota đã quyết định tăng giá với mức dưới 30 triệu đồng/dòng xe. Đợt tăng giá xe lần thứ 2 trong năm nay thuộc cả hai thương hiệu Toyota và Lexus. Theo đó, ở dòng Toyota, chỉ có Hilux, Land Cruiser và Prado giữ nguyên như hiện tại, còn lại đều tăng giá. Trong đó tùy từng phiên bản, Camry tăng nhiều nhất 55 triệu đồng/xe, Fortuner tăng nhiều nhất 57 triệu đồng/xe, Altis tới 38 triệu đồng/xe, Innova là 34 triệu đồng/xe và Vios là 25 triệu đồng/xe.
Camry là dòng xe đắt khách của Toyota tăng giá mạnh trong dịp này
Lý giải cho nguyên nhân tăng giá, Toyota cho biết do việc điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên 1%, nới biên độ tỷ giá lên 3% nên ảnh hưởng tới chi phí của hãng, vì thế phải bù trừ bằng cách tăng giá.
Trong khi đó cũng nguyên nhân này, đối thủ lớn nhất của Toyota là Trường Hải (Thaco) lại giảm giá hàng loạt với lý giải chia sẻ khó khăn với thị trường. Những thương hiệu xe do Thaco quản lý tại Việt Nam là Kia, Mazda và Peugeot. Đây được cho là động thái nhằm chiếm cảm tình từ khách hàng. Tại Việt Nam, Toyota và Trường Hải là hai đối thủ luôn cạnh tranh doanh số bán ở vị trí cao nhất.
Theo phân tích, việc tăng giá lần thứ hai trong năm với mức tăng khá cao của Toyota chính là tận dụng tâm lý khách hàng Việt Nam. Bởi, nếu do tác động của việc điều chỉnh tỷ giá USD thì các hãng ô tô ở Việt Nam đều sẽ tăng giá, vì tất cả đều phải nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Với chiến lược tăng giá liên tiếp trong 1 năm như vậy, Toyota đang được nhiều hơn mất. Tăng giá mạnh trên những sản phẩm bán chạy nhất thị trường Việt Nam là đánh vào tâm lý của người tiêu dùng Việt.
Với quan niệm, “sản phẩm tăng giá vù vù mà vẫn có nhiều người mua tức là sản phẩm tốt”, vì thế ai cũng cố để sở hữu một chiếc xe Toyota mà không đánh giá được sản phẩm ấy có tương xứng với mức tiền bỏ ra hay không. Thêm vào đó, đối với những người đã sở hữu một chiếc Toyota thì có thể yên tâm rằng xe của mình không mất giá. Vì người mua sau cùng một dòng xe nhưng phải chịu giá cao hơn, vô hình trung lại hình thành một luồng tâm lý “cố mua xe của Toyota vì không lo mất giá”. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam đang phải bỏ ra nhiều tiền để mua thương hiệu thay vì chất lượng.