Thể Thao 247 - Ngay sau khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (NĐ 116) được ban hành (có hiệu lực ngay từ 17/10/2017), nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này đã lên tiếng.
Có ý kiến cho rằng, một số quy định mới tại NĐ 116 sẽ khiến DN gặp khó, tốn kém chi phí... Cũng có DN cho rằng NĐ 116 sẽ góp phần lập lại trật tự trong hoạt động KD, SX, NK ô tô, tạo thuận lợi cho những DN đầu tư bài bản, và quan trọng hơn là quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo.
Ai khó?
Chỉ sau ít ngày NĐ 116 được ban hành, ngày 25/10, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản số 102501/2017/VAMA gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, cho rằng: “Hoạt động kinh doanh của các thành viên VAMA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới”.
Cụ thể liên quan đến quy định DN NK phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô NK, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, VAMA cho rằng, yêu cầu này là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên VAMA vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Hơn thế nữa, VAMA cũng cho rằng: Quy định này không có nhiều ý nghĩa bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm, nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
Do vậy, VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà NK thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Đại diện VAMA cũng đưa ra ý kiến liên quan đến quy định ô tô NK phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô; mỗi lô xe NK sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Theo VAMA, như vậy các xe cùng kiểu loại sẽ buộc phải thử nghiệm lại, chỉ vì chúng nằm ở các lô hàng khác nhau. Quy định này không có ý nghĩa về mặt chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và làm lãng phí chi phí của xã hội.
Việc thử nghiệm 1 mẫu xe có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD cho thử khí thải Euro 4. Ngoài ra, trong thời gian này các xe khác cùng lô sẽ phải buộc lưu kho ở cảng và VAMA lo ngại về sức chứa của các cảng biển, liệu có đáp ứng được khi thực hiện quy định này. Quy định này sẽ làm các DN tốn kém thêm chi phí không cần thiết cho việc chuẩn bị địa điểm lưu giữ xe.
Không chỉ “khó” trong NK, cả trong sản xuất lắp ráp ô tô, theo VAMA, quy định DN phải có đường chạy thử dài tối thiểu 800m, sẽ khiến nhiều DN đối mặt với khó khăn khi tìm đất để đầu tư làm đường thử mới hoặc đường thử mở rộng. Vì vậy, VAMA đề nghị Chính phủ chấp nhận phương pháp thử thay thế, dành cho các nhà sản xuất không đủ đất và không hồi tố yêu cầu mới, với các nhà đầu tư, đã hoạt động ở Việt Nam, trước khi NĐ 116 có hiệu lực.
Khá cẩn trọng và không “quyết liệt” như văn bản nêu trên, ngày 1/11, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về việc có gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô khi thực hiện NĐ 116 hay không? Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ tịch VAMA cho biết: Trong ngắn hạn, sẽ có ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên DN đang chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành thì mới biết mức độ ảnh hưởng ra sao.
Không khó
Không phải thành viên nào của VAMA cũng đồng tình với quan điểm của VAMA, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch Thaco, đồng thời là Phó chủ tịch VAMA lại lên tiếng ủng hộ các quy định tại NĐ 116.
Không đồng thuận kiến nghị của VAMA (tại văn bản 102501/2017/VAMA), cho rằng những nội dung trong NĐ 116 là hợp lý, ông Bùi Kim Kha phân tích:
Tất cả xe NK về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam. DN NK khi thực hiện NK một kiểu loại ô tô phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành, do đó, không thể xảy ra trường hợp xe NK về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Ông Kha cũng cho rằng quy định yêu cầu DN cung cấp “Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài” là cần thiết. Quy định này để đảm bảo chất lượng của xe NK, hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bởi việc cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là bằng chứng rõ ràng về chất lượng của ô tô NK, là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành, đồng thời quy định này cũng nhằm đảm bảo bình đẳng với sản xuất trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Bùi Kim Kha cũng khẳng định, hiện Thaco đang NK các xe Mazda 2, Mazda BT 50, Kia, Peugeot, và không xảy ra vướng mắc, khó khăn gì, cũng như không có tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. Bởi NĐ 116 có hiệu lực từ ngày 17/10/2017, nhưng đối với hoạt động kinh doanh NK được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2017. Thời gian này hoàn toàn đủ để DN chấp hành các quy định mới tại NĐ 116.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một DN NK ô tô hạng sang lớn tại Việt Nam cũng đồng tình cho rằng: NĐ 116 sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn giữa các DN NK, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Khẳng định DN hoàn toàn có thể đáp ứng được các quy định của NĐ 116, tuy vị đại diện này đang lo lắng, trong thời gian từ 17/10 đến 31/12/2017, liệu DN có kịp chuẩn bị các giấy tờ, văn bản theo quy định mới để NK hàng hóa hay không.
Sao khó?
VAMA hiện có 17 thành viên, trong đó phần lớn là các liên doanh như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, GM Việt Nam, Ford Việt Nam… Đây là các liên doanh đã có nhiều năm đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam
Một câu hỏi đặt ra là vì sao các liên doanh này lại “phản ứng” trước một chính sách được cho là sẽ tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, NK bình đẳng, khuyến khích DN đầu tư bài bản, siết chặt các quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Thực tế sau nhiều năm đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới dừng ở lắp ráp giản đơn, tỉ lệ NĐH đạt thấp (dưới 10%). Trước xu thế giảm thuế NK xe nguyên chiếc trong khu vực, nhiều DN đã không còn ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, thậm chí nhiều DN đã chuyển hướng giảm bớt sản phẩm lắp ráp trong nước, chuyển sang NK nguyên chiếc.
Do đó việc các DN thấy “khó” khi chính sách “siết chặt” các quy định về NK để đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều dễ hiểu.
Mặt khác quy định các DN phải đầu tư bài bản trong sản xuất cũng là điểm mà nhiều DN không muốn. Đơn cử như việc VAMA kêu khó với yêu cầu về chiều dài đường thử với chiều dài tối thiểu 800 m và tối thiểu 400 m đường thẳng theo qui định tại NĐ 116 cho thấy các DN này không muốn đầu tư thêm vào sản xuất.
Thực tế, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, tiêu chuẩn đường thử trên phù hợp với thông lệ quốc tế. Rõ ràng các DN, nhẽ ra cần phải đầu tư bài bản chuyên nghiệp từ trước chứ không cần phải chờ đến giờ quy định “cứng” mới thấy khó và “kêu”. Việc chạy thử xe sau khi sản xuất, lắp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe đạt chất lượng trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng.
Có thể nói sau một thời gian dài đầu tư, phát triển không đạt được như mục tiêu đề ra, giai đoạn hiện nay, các chính sách của Chính phủ cho thấy rõ một quan điểm, đó là ủng hộ DN đầu tư vào sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá và đưa ngành sản xuất kinh doanh ô tô, một mặt hàng ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng, vào ngành kinh doanh có điều kiện với những quy định chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Và các DN, nếu muốn hoạt động trong lĩnh vực này, buộc phải chấp nhận “cuộc chơi”.
Hiện nay đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi kiểu loại ô tô phải thực hiện các bước: Thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện (trừ trường hợp linh kiện đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận), thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện xuất xưởng (COP). Các nội dung này phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, thử nghiệm xác nhận hàng năm (trừ thiết kế). Sau khi kiểu loại ô tô đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng. Mỗi chiếc ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện (gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính an toàn, lốp,….) so với sản phẩm mẫu, kiểm tra từng ô tô trên dây chuyền thiết bị. Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng. Trong khi đó, đối với ô tô NK việc kiểm tra chất lượng đối với linh kiện lắp đặt trên xe giống như xe sản xuất lắp ráp là điều không thể thực hiện được. Do đó, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đảm bảo cho linh kiện, hệ thống, các tổng thành trên xe đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và là một trong các căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Việc kiểm tra chất lượng đối với từng lô là cần thiết vì nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên và không kiểm tra các lô xe tiếp theo thì không thể kiểm soát được chất lượng của các lô xe tiếp theo đó. Hiện ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang thực hiện quy định này. Ông Bùi Kim Kha- Phó Tổng giám đốc kinh doanh xe du lịch Thaco |