Thể Thao 247 - Nghị định 116/2017/NĐ-CP khiến nhiều mẫu xe nhập khẩu bị tạm ngưng đặt hàng, dẫn đến ít lựa chọn cho người mua và gây tăng giá trong ngắn hạn.
Vào tháng 10 vừa qua, việc Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện kinh doanh ô tô, ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng. Một mặt, Nghị định này tạo động lực cho ngành lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, đồng thời dựng lên những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả đối với xe chính hãng.
Doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các điều kiện rất chi tiết. Đó là phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này. Bên cạnh đó, còn 2 điều kiện rất quan trọng là doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Đứng trước những rào cản này, một số liên doanh ô tô đã buộc phải trì hoãn kế hoạch nhập thêm xe và ra mắt xe mới trong giai đoạn đầu năm 2018. Ford đã đi đầu khi không cho đại lý đặt thêm Ranger và Explorer, trong khi mẫu Everest Ambiente rất được mong chờ đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện. Nhiều đại lý Ford thậm chí đã bỏ chương trình ưu đãi giá với những mẫu xe nhập.
Vừa qua, trên mạng xã hội có lan truyền ảnh chụp một văn bản nội bộ của Ford Việt Nam gửi cho các đại lý bán xe Ford trên toàn quốc. Nội dung văn bản này đề cập đến việc "cắt đơn đặt hàng trong tháng 1 và tháng 2 năm 2018 của đại lý cho xe Ranger và Explorer", với lý do "ảnh hưởng của Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh và sản xuất ô tô ở Việt Nam".
Khi được hỏi về tính chính thống của văn bản này, đại diện truyền thông của Ford Việt Nam đã xác nhận rằng văn bản và yêu cầu kể trên là có thật. Bên cạnh đó, liên doanh xe Mỹ cũng nhấn mạnh việc "yêu cầu các đại lý chỉ ký hợp đồng cho xe Ranger và Explorer khi có xác nhận về nguồn cung ứng".
Hiện nay, Ranger dành cho thị trường Việt Nam được nhập về từ Thái Lan, trong khi nguồn gốc xuất xứ của Explorer là trực tiếp từ Mỹ. Cả 2 đều là sản phẩm quan trọng của Ford tại Việt Nam. Nếu như Ranger liên tục dẫn đầu về doanh số phân khúc bán tải, thì Explorer tỏ ra là mẫu crossover cỡ lớn ăn khách hơn đối thủ SUV cùng kích cỡ là Toyota Land Cruiser Prado.
Việc Ranger và Explorer tạm ngưng nhập sẽ ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn xe của khách hàng từ nay đến Tết Nguyên Đán. Số lượng xe đang có tại mỗi đại lý không thể đủ hết mọi phiên bản cũng như màu sắc, nên người tiêu dùng sẽ phải nhanh chóng đưa ra quyết định mua sắm, hoặc đành chấp nhận không chọn được xe đúng như mong muốn. Hoạt động kinh doanh của các đại lý cũng sẽ gặp trục trặc.
Về phía Toyota, mẫu xe nhập khẩu ăn khách bậc nhất của thương hiệu này là Fortuner cũng đang tạm ngưng nhập thêm cho đến hết tháng 2/2018. Lượng xe Fortuner còn tại các đại lý hiện không nhiều, lựa chọn cấu hình và màu sắc không phong phú như trước, trong khi nhu cầu từ phía người tiêu dùng vẫn rất cao, dẫn đến việc giá xe tăng 50 - 70 triệu đồng so với niêm yết ban đầu.
Các dòng xe Toyota nhập khẩu khác như Yaris, Hilux hay Land Cruiser chưa tăng giá, nhưng cũng không còn ưu đãi hay quà tặng như trước. Kế hoạch ra mắt các mẫu xe nhập mới như Wigo hay Fortuner phiên bản máy dầu số tự động cũng rơi vào trạng thái trì hoãn.
Mới đây, các đại lý Suzuki cũng chia sẻ về việc thời điểm ra mắt mẫu Celerio bị dời lại sang tháng 3/2018 - trùng hợp với động thái tạm ngưng nhập xe của Ford và Toyota. Honda cũng chưa chắc chắn khi nào sẽ có xe CR-V thế hệ mới để giao cho khách, còn giá bán chỉ đang ở mức tạm tính "dưới 1,1 tỷ đồng" và vẫn chưa thể công bố rõ ràng.
Theo tiết lộ, hầu hết các hãng xe đã hủy đơn hàng xe nhập khẩu trong tháng 1 và 2 năm 2018. Nguyên nhân đến từ yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến các doanh nghiệp không muốn mạo hiểm nhập xe và gặp rủi ro khi phải tái xuất lô hàng nếu không được chấp nhận.
Bên cạnh đó, về lâu dài, quy định kiểm định một xe trong từng lô hàng sẽ làm tăng chi phí và thời gian giao xe cho khách hàng. Ước tính, mỗi xe kiểm định tốn khoảng 100 triệu đồng, thời gian chờ có thể từ vài tuần tới 2 tháng, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và buộc các hãng phải tính toán lại phương án nhập khẩu.
Bộ Công Thương vừa có khuyến cáo về việc nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định số 116 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành và bảo dưỡng ô tô. Đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô là Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, địa chỉ: 54, Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nghị định 116 có hiệu lực kể từ ngày ký và quy định chuyển tiếp đối với điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô như sau: Hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017. Các doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này và được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 31 tháng 12 năm 2017 được quyền nhập khẩu ô tô kể từ ngày Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô có hiệu lực. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định này. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp lưu ý quy định về thời gian chuyển tiếp để chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu ô tô và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. |