Thể Thao 247 - Thị trường ôtô Việt Nam giai đoạn 3 tháng đầu năm nay chưa có gì đột biến. Xét về sản phẩm, sự khác biệt cũng chưa được tạo nên bởi thị trường chưa đón nhận mẫu xe mới nào đủ sức bứt phá hoặc ít nhất là gây ảnh hưởng đến nhóm xe đắt khách “truyền thống”.
Sở hữu nhiều lợi thế từ thiết kế dễ hợp mắt nhiều nhóm khách hàng khác nhau đến giá bán lẻ hợp lý và nhất là giá trị sử dụng, giá trị kinh tế cao, không khó hiểu khi Vios tiếp tục là mẫu xe đắt khách nhất thị trường.
Tính riêng trong tháng 3/2017, liên doanh ôtô Nhật Bản đã bán ra thị trường hơn 1.400 chiếc Vios. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng bán hàng của mẫu sedan cỡ nhỏ này đạt hơn 4.100 chiếc, vượt xa so với tất cả các mẫu xe còn lại trên thị trường.
Mẫu xe đa dụng Innova cũng tiếp tục cho thấy chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi đạt hơn 1.000 xe bán ra trong tháng 3 và cộng dồn gần 3.200 chiếc trong cả quý đầu năm. Với mức sản lượng này, Innova thế hệ mới vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách 10 xe bán chạy nhất.
Với mẫu xe bán tải Ford Ranger, dù có vài thời điểm dường như bị “thách thức” khi bị đẩy lùi xuống vài bậc song tính chung cho cả quý, Ranger vẫn giữ được vị trí thứ 3 và không cách xa so với vị trí thứ 2 của Toyota Innova.
Giá bán giảm liên tục và thiết kế hợp thời tiếp tục giúp Mazda3 nắm giữ lợi thế cạnh tranh cho dù trên thị trường, mẫu xe cỡ trung này cũng gặp ít nhiều “điều tiếng”. Nếu chỉ tính riêng trong tháng 3, Mazda3 không đắt khách bằng mẫu SUV Toyota Fortuner. Tuy nhiên, cộng dồn 3 tháng, mức sản lượng 3.132 chiếc vẫn giúp Mazda3 nắm giữ vị trí xe đắt khách thứ 4 trên thị trường.
Còn mẫu SUV 7 chỗ ngồi Toyota Fortuner, thế hệ hoàn toàn mới với thiết kế lột xác và nhất là sở hữu vô số trang bị công nghệ hiện đại, giá bán lẻ của của Fortuner đã bị đẩy lên đáng kể so với thế hệ trước. Nhưng so với các đối thủ, Fortuner vẫn có giá thấp hơn và vì vậy, khó tìm ra lý do gì để nghi ngờ việc Fortuner nằm trong nhóm 5 mẫu xe đắt khách nhất thị trường.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của “quán quân” Toyota Vios, mẫu sedan cỡ nhỏ Honda City, đã có tháng 3 bứt phá bằng mức sản lượng 689 chiếc, vượt khá xa so với mẫu SUV 5 chỗ ngồi Mazda CX-5. Nhưng xét trong cả quý, tổng sản lượng bán hàng 1.642 chiếc vẫn chưa thể giúp City chiếm lấy vị trí thứ 7 của “đồng hương” Nhật Bản CX-5.
Ở hai vị trí cuối cùng trong danh sách 10 xe đắt khách nhất, mức sản lượng bán hàng của Ford EcoSport và Kia Cerato có khoảng cách khá xa so với các vị trí phía trên.
Nhìn ra ngoài Top 10, mức sản lượng của cả EcoSport lẫn Cerato lại đang rất sát nhiều mẫu xe khác. Chẳng hạn, với sản lượng bán hàng cộng dồn hơn 1.000 chiếc, mẫu sedan cỡ trung Toyota Corolla Altis sẽ không khó để trở lại danh sách 10 xe đắt khách nhất và theo đó, đẩy hoặc EcoSport hoặc Kia Cerato ra ngoài.
Như vậy, trong quý đầu năm nay, thương hiệu ôtô du lịch chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Toyota vẫn có 3 mẫu xe nằm trong danh sách 10 đắt khách nhất và đều ở nhóm 5 xe dẫn đầu. Tuy nhiên, 2 mẫu sedan Camry và Corolla Altis vẫn chưa thể trở lại khi các đối thủ khác tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh tốt.
Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô trong nước Trường Hải tiếp tục đóng góp 4 mẫu xe, bao gồm 2 mẫu xe mang thương hiệu Mazda là CX-5 và Mazda3 cùng 2 mẫu xe mang thương hiệu Kia là Morning và Cerato. Ford cũng đóng 2 mẫu xe còn Honda đóng góp 1 mẫu xe vào nhóm 10 ôtô đắt khách nhất.
Theo: VNeconomy